NGHĨ VỀ AN TOÀN – LÀM VIỆC AN TOÀN – SẼ AN TOÀN

NGHĨ VỀ AN TOÀN – LÀM VIỆC AN TOÀN – SẼ AN TOÀN
Theo thông lệ định kỳ hàng năm, vào những tháng đầu năm, các đơn vị sản xuất đều tổ chức lớp tập huấn về công tác an toàn lao động và vệ sinh lao động cho người lao động. Dù là lao động gián tiếp hay trực tiếp trong dây truyền sản suất… thì đều bắt buộc phải trải qua các lớp đào tạo này. Về cơ bản, đây là yêu cầu được quy định trong Luật An toàn lao động và vệ sinh lao động đối với các tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Tuy nhiên hiệu qủa của những lớp tập huấn này đến đâu còn là điều bỏ ngỏ khi mà ý thức, trách nhiệm và thái độ ứng xử về an toàn đối với bản thân còn bị chính người lao động xem nhẹ. Trong thực tế không ít trường hợp lớp tập huấn được tổ chức, lúc khai mạc thì đông đủ thành phần, đến nửa buổi chỉ còn lưa thưa, rồi đến khi làm bài kiểm tra thì không thiếu một ai. Thầy giảng thì cứ giảng, học viên thì chăm chỉ lướt Web, tất cả đều im lặng tương tác độc lập. Hệ lụy của việc này làm cho người lao động mất phương hướng trong xử lý các tình huống thực tế vốn đã được quy định rất rõ trong quy trình, quy phạm an toàn, dẫn đến nhưng tai nạn đáng tiếc mà lẽ ra nó đã không xảy ra.
AN TOÀN LAO ĐỘNG LÀ HẠNH PHÚC CỦA MỖI NGƯỜI CÔNG NHÂN
Chưa bao giờ là muộn khi chúng ta xây dựng “Văn hóa an toàn” mà trước hết khi bắt đầu một công việc, mỗi người lao động phải nghĩ về an toàn, làm việc an toàn, ắt sẽ an toàn. An toàn lao động là tổng hợp các biện pháp, phương thức nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các tai nạn, sự cố trong quá trình làm việc, lao động. Việc thực hiện tốt an toàn lao động sẽ giúp hạn chế, giảm thiểu tối đa những thương tích, thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người lao động cũng như doanh nghiệp. An toàn lao động đóng một vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng không những đối với người lao động, doanh nghiệp nói riêng mà còn ảnh hưởng đến yếu tố kinh tế và xã hội. Đối với doanh nghiệp, bảo đảm an toàn lao động sẽ giúp công ty giảm được các thiệt hại do tai nạn gây ra. Không những vậy, khi có công tác an toàn lao động chặt chẽ, nghiêm ngặt, doanh nghiệp sẽ tạo được niềm tin và uy tín thương hiệu đối với người lao động cũng như công chúng.
Nếu như trước đây, An toàn lao động, vệ sinh lao động chỉ thuộc một phần nhỏ của Bộ luật Lao động, nay đã được tách riêng thành Luật An toàn lao động, vệ sinh lao động. Điều này cho thấy có sự chuyển biến lớn trong nhìn nhận về vấn đề này. Thực chất vấn đề an toàn lao động và vệ sinh lao động góp phần không nhỏ vào phát triển doanh nghiệp và nâng cao đời sống người lao động. Một phần khác là giảm bớt gánh nặng bảo trợ xã hội và cho chính gia đình của người lao động do các hậu quả khôn lường của tai nạn lao động để lại.
LAO ĐỘNG AN TOÀN LÀ ĐỂ BẢO VỆ BẢN THÂN VÀ GIA ĐÌNH MÌNH
Nghĩ về an toàn!
Lao động trong ngành điện thường được xem là nghề nguy hiểm, thực tế nó không nguy hiểm như mọi người vẫn tưởng. Theo thống kê trong 11 ngành nghề xảy ra nhiều tai nạn lao động thì ngành điện xếp thứ 7. Ý nghĩa an toàn lao động đối với tính mạng con người là một sự thật không thể phủ nhận. Khi thực hiện tốt các biện pháp bảo hộ và an toàn trong lao động thì công nhân sẽ làm việc có năng suất và hiệu quả cao hơn, đồng thời giảm chi phí khắc phục hậu quả do tai nạn lao động gây ra. Mặt khác, người lao động cũng là một nhân tố quan trọng của xã hội. Vì vậy khi các tai nạn lao động được giảm thiểu xuống mức thấp nhất thì có nghĩa là cuộc sống của người lao động được nâng cao, từ đó xã hội cũng phát triển theo.
Đối với công việc quản lý vận hành, đầu tư xây dựng, thi công sửa chữa, vệ sinh bảo dưỡng lưới điện liên quan đến công tác cắt điện thì dường như điều đầu tiên chúng ta thường nghĩ đến đó là tiến độ công việc. Làm sao để hoàn thành khối lượng công việc và trả lưới đúng thời gian mới là điều được quan tâm nhất. Trong quá trình thực hiện công việc, công tác an toàn cũng được đồng thời triển khai đến từng tổ sản xuất, từng cá nhân với một chuỗi thông tin mà người lao động phải biết như lệnh công tác, phiếu công tác, lệnh thao tác, các biện pháp an toàn hiện trường. Bên cạnh đó người chỉ huy phải tổ chức quán triệt, phổ biến các quy định về công tác an toàn trước khi làm việc. Tuy nhiên bản thân người lao động phải tự suy nghĩ được rằng, an toàn là cho bản thân và gia đình mình chứ không cho một ai khác, cho nên đừng bao giờ xem việc chấp hành các quy định về an toàn lao động như mang đeo trang cụ, dụng cụ bảo hộ lao động chỉ là hình thức, để đối phó.
Nhận thức coi thường an toàn lao động của người lao động là một nhận thức cội rễ và bảo thủ. Không ít người lao động có suy nghĩ là chỗ tôi làm việc có bao giờ xảy ra tai nạn lao động đâu, hoặc là tôi làm việc này bao nhiêu năm nay với thao tác như thế mà đã bao giờ xảy ra tai nạn đâu. Có rất nhiều lý do để biện minh cho hành vi sai trái mà họ không biết rằng cái giá phải trả là rất đắt cho những lỗi lầm tưởng rất nhỏ này. Hãy nghĩ về an toàn trước khi làm việc bởi vì an toàn là hạnh phúc.
Làm việc an toàn!
Trong ngành điện có những công việc được lặp đi, lặp lại qua nhiều năm với một quy trình, thủ tục như vậy dễ dẫn đến tâm lý chủ quan, coi thường. Tai nạn, bản thân nó là một sự cố ngoài ý muốn. Vậy nên, dù là chúng ta đã phòng ngừa hết mọi cách cũng không thể hoàn toàn tránh được tai nạn xảy ra. Tuy nhiên sự phòng ngừa có thể ngăn ngừa được một số tai nạn và giảm được tính nghiêm trọng của tai nạn. Thực tế cho thấy nhiều tai nạn không đáng có nếu bản thân người lao động và người sử dụng lao động làm việc theo đúng quy trình đã được ban hành.
Khi và chỉ khi người lao động có suy nghĩ tích cực và trách nhiệm về công tác an toàn thì làm việc sẽ an toàn. Trong nhiều trường hợp, khi tiếp xúc với một số người lao động, ta sẽ nhận được ý kiến rằng trang phục bảo hộ lao động gây vướng víu và giảm năng suất lao động. Ý kiến này một phần là sự thật, một phần là ngụy biện. Cả người lao động và người sử dụng lao động không ai cất công đi tìm đâu là sự thật, đâu là ngụy biện nhưng đều nhìn vào việc giảm năng suất lao động để lờ đi trang phục bảo hộ lao động.
Trang phục, dụng cụ bảo hộ lao động bất tiện từ trong ý thức. Ngay từ khi nhìn thấy trang phục bảo hộ lao động hay đơn thuần là nghe yêu cầu phải mặc trang phục bảo hộ lao động thì trong đầu người lao động đã nghĩ đến sự vướng víu, khó chịu. Ý thức tẩy chay mặc trang phục bảo hộ lao động tự động nảy sinh. Sự bất tiện tâm lý ấy là nền tảng đầu tiên để người lao động từ chối lá chắn bảo vệ an toàn cho mình. Khi bị nhắc nhở dễ nảy sinh tâm lý chống đối, làm bừa làm ẩu dẫn đến mất an toàn lao động. Có một chân lý luôn luôn đúng trong lao động sản xuất đó là người hạnh phúc nhất là người chấp hành công tác an toàn tốt nhất.
Làm việc trên cao là đặc thù của người công nhân ngành điện, mọi rủi ro là hoàn toàn tránh được nếu mỗi người công nhân xem các quy định an toàn như không khí cần có để thở và sinh tồn
An toàn là hạnh phúc!
Thật vậy, khi chúng ta có suy nghĩ tích cực và trách nhiệm về công tác an toàn thì dẫn đến hành vi công việc sẽ an toàn. Vì vậy, để có được thói quen đề cao an toàn trong lao động thì cả người lao động và người sử dụng lao động phải tạo ra ngay từ khi bắt đầu hoạt động. Khi không còn cơ hội để tạo thói quen từ lúc sơ khai thì phải bắt đầu với công việc mới, hoặc bắt đầu với một mốc thay đổi thói quen thờ ơ với tai nạn lao động. Hay đơn giản, khi phát bộ trang phục an toàn lao động cho người lao động, hãy dành ít phút nói về vấn đề an toàn lao động, ý nghĩa của từng món một để người lao động hiểu hơn về những giá trị mà từng món đồ bảo hộ lao động mang lại. Cuộc trao đổi ngắn nhưng sẽ tạo một tiền lệ tốt nhất định và mỗi lần người lao động mặc trang phục bảo hộ lao động lại khẽ tự nhắc mình chú ý an toàn lao động.
Đi qua những công trình xây dựng, vào nhà máy chúng ta vẫn thường thấy băng rôn rất lớn “An toàn là trên hết”, “An toàn là bạn, tai nạn là thù” nhưng thực chất người lao động ở những nơi ấy chưa hiểu hết ý nghĩa của nó. Tai nạn lao động trong suy nghĩ của họ vẫn là một rủi ro do số phận và nó xảy ra với ai đó chứ không phải là bản thân mình. An toàn lao động là rủi ro rình rập mỗi người từng phút, từng giây. Nó thường xảy ra vào ngay thời khắc chúng ta lơ là và bất cẩn. Rất nhiều câu nói tiếc rẻ sau một vụ tai nạn xảy ra, như… chỉ sơ ý một chút thôi mà! Một tích tắc thôi, có thể người lao động phải trả giá cho cả cuộc đời mình, doanh nghiệp phải trả một cái giá không nhỏ cho hoạt động kinh doanh của mình. An toàn lao động là giá trị, niềm tin, là uy tín của mỗi đơn vị, ở đó ta nhận được sự tôn trọng của mọi người và đối tác. Quy định pháp luật vẫn còn ngổn ngang, tai nạn lao động vẫn xảy ra ngày một nhiều và nghiêm trọng. Hãy thay đổi nhận thức, hành vi của người lao động để có được một môi trường làm việc an toàn và hiệu quả. Hãy “Nghĩ về an toàn – làm việc an toàn – sẽ an toàn”.
Lịch khai giảng Liên hệ Đăng ký học